Tổng quan về stop-loss trong giao dịch tiền điện tử
Stop-loss là gì?
Vậy stop-loss là gì? Stop-loss hay tiếng Việt chúng ta vẫn hay gọi là cắt lỗ. Stop-loss hiểu nôm na là một hành động bán/chuyển đổi các đồng tiền điện tử ở một mức giá nào đó. Không may mắn là nó lại được sử dụng trong trường hợp chúng ta đầu tư thua lỗ.
Giả sử, bạn mua một đồng Bitcoin (BTC) trên sàn Remitano ở mức giá $12,000. Ngày hôm sau, vào đợt downtrend, giá 1 BTC giảm xuống còn $11,500. Với tâm lý lo sợ đồng BTC sẽ còn dump nhiều nữa, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ càng thua lỗ nếu giá đồng BTC càng giảm. Bạn tiến hành bán đồng BTC ở mức giá $11,500 để tránh làn sóng downtrend của thị trường. Kết quả là bạn đã cắt lỗ và chịu mức thiệt hại là $500.
Hướng dẫn cách quản lý rủi ro trong Crypto Trading.
Xem thêm: Top 10 đồng tiền điện tử tiềm năng đáng đầu tư nhất năm 2022
## Ưu và nhược điểm của lệnh Stop Loss là gì?
Ưu điểm của lệnh Stop Loss
- Hạn chế được rủi ro khi vào lệnh tránh những đợt pump và dump mạnh làm bạn thua lỗ nhiều.
- Quản lý được rủi ro vào lệnh.
Xem thêm: Nhận biết Bơm & Rút giá coin trong giới Crypto (Pump & Dump)
Nhược điểm của lệnh Stop Loss
- Hạn chế là điểm giá nơi stop loss có thể bị kích hoạt bởi một biến động ngắn hạn bất chợt.
- Stop loss hunting hay còn được hiểu là săn stop loss. Được hiểu là bạn sẽ bị dính stop loss sau đó nó bắt đầu hồi phục và quay trở lại giá bạn đầu hoặc thậm chí là cao hơn.
Một số loại hình đầu tư thường thấy
Trước khi đến với các phương pháp tính toán điểm stop-loss, chúng ta sẽ cùng nhau thống nhất cách hiểu về một số loại hình đầu tư mà mình sẽ nhắc đến ở phần dưới đây nhé. Cụ thể:
- Intraday (Đầu tư trong ngày): Ý muốn nói đến những lênh giao dịch mua/bán tiền điện tử diễn ra trong một ngày. Tất cả các lệnh mua bán sẽ được kết thúc trong ngày hôm đó. Đặc tính của hình thức đầu tư này là việc các NĐT sẽ thường xuyên tạo các lệnh mua/bán để hưởng phần chênh lệch từ sự biến động giá của đồng coin.
- Swing ( Đầu tư lướt sóng ): Đây là một hình thức đầu tư dựa theo các biến động giá đáng chú ý (sóng) của thị trường. Những NĐT theo hình thức này họ thường nắm bắt rất nhanh những con sóng của thị trường. Sau đó họ tìm hiểu và lướt theo nó để kiếm lời.
Cách đặt lệnh Stop Loss
Phương pháp đặt Stop Loss đơn giản nhất là ở ĐỈNH và ĐÁY. Quy trình đặt lệnh Stop Loss cụ thể:
- Khung thời gian giao dịch chính nên được người dùng xác định ngay từ đầu
- Nhận diện tín hiệu forex khi nó xuất hiện bằng cách dùng hệ thống giao dịch
- Xác định đỉnh và đáy gần nhất so với điểm dự kiến sẽ vào lệnh
- Cộng / trừ thêm mức chênh lệch spread và khấu hao thêm độ nhiễu của giá để đưa ra điểm SL hay TP chính xác hơn
- Tính tỷ lệ rủi ro : Reward của lệnh (Tỷ lệ R:R). Nếu chấp nhận tỷ lệ R:R thì sẽ vào lệnh, còn không chấp nhận thì sẽ bỏ ý định vào lệnh và chờ cơ hội khác để vào lệnh
Đặt lệnh Stop Loss hợp lí để hạn chế rủi ro đầu tư
Điều đó cho thấy, việc chọn thời điểm cắt lỗ quyết định đến việc bạn có lựa chọn vào lệnh hay không trên cơ sở tỷ lệ R:R.
Đỉnh và Đáy biểu hiện cho 1 biên độ dao động hay 1 biên độ sóng (wave) trong thị trường có xu hướng, và biểu hiện cho 1 vùng giá đi ngang trong thị trường không có xu hướng (sideway).
Xem thêm: Bí quyết tối ưu hóa lợi nhuận trong trade coin khi thị trường sideway
Các phương pháp tính toán điểm stop-loss
Có rất nhiều phương pháp để tính toán điểm cắt lỗ khi đầu tư tiền điện tử nói riêng và đầu tư tài chính nói chung. Tuy nhiên, tổng hợp lại mình sẽ xếp thành hai phương pháp đầu tư lớn như sau:
#1. Thứ nhất, phương pháp cắt lỗ theo tỷ lệ phần trăm
Phương pháp phần trăm hiểu một cách đơn giản là dưới giá ở thời điểm mua bao nhiêu phần trăm thì chúng ta nên bán cắt lỗ.
Với phương pháp này, mình sẽ phân ra cho hai đối tượng khác nhau. Bởi lẽ, với mỗi đối tượng này, phương pháp tính cắt lỗ theo tỷ lệ phần trăm cũng sẽ khác nhau. Cụ thể:
Đối với những NĐT theo hình thức đầu tư giá trị (holder)
Đối với những holder, mức stop-loss sẽ dựa trên “sức chịu đựng” của mỗi NĐT khác nhau. Nhưng thường với những holder, gần như họ sẽ không có khái niệm stop-loss. Hay nói cách khác, stop-loss với họ sẽ ở trạng thái vô cực.
Với tâm lý của những holder, họ tìm hiểu và tin tưởng vào dự án. Họ tin dự án đó sẽ phát triển và chuyện đồng coin tăng giá chỉ là vấn đề thời gian. Họ mua và giữ nó (hold) cho đến một mức nào đó thì họ sẽ bán ra để kiếm lời.
Lấy đồng Chainlink (LINK) là một ví dụ điển hình. Những người nắm giữ đồng LINK từ đầu đến giờ họ đã chứng kiến một sự đột phát của đồng coin này. Cũng có thời điểm tháng 3/2020, đồng LINK đang từ $5 rơi tự do về $1. Ở thời điểm hiện tại 1 LINK có giá trị $10.77. Nếu như việc cắt lỗ diễn ra trước đó thì nhiều người đã không được chứng kiến việc đồng LINK đạt được giá trị như hiện tại.
Đối với những NĐT theo hình thức lướt sóng (trader)
Hình thức cắt lỗ sẽ phù hợp hơn với những NĐT theo hình thức này. Bởi lẽ với những trader, biến động giá cả trong thời gian ngắn là điều quan trọng. Do đó, tỷ lệ stop-loss lý tưởng sẽ dao động ở mức từ 10-20%. Đương nhiên, tuỳ vào mỗi trader khác nhau mà tỷ lệ này sẽ có sự biến động. Con số trên đây chỉ là mức trung bình mà thôi.
Kết luận
Như vậy, chúng ta có thể tổng hợp lại về phương pháp cắt lỗ theo tỷ lệ phần trăm với hai loại hình NĐT trên như sau:
- Tỷ lệ phần trăm thông thường sẽ dao động ở mức từ 10-20%. Mỗi NĐT dựa trên kinh nghiệm khác nhau sẽ có những tỷ lệ phần trăm khác nhau cho riêng mình.
- Tỷ lệ phần trăm sẽ dựa trên khả năng chịu lỗ của mỗi NĐT. Đây chính là lý do tại sao mà ở phần trên mình có đưa ra lời khuyên là nên đầu tư tiền điện tử bằng tiền nhàn rỗi. Tâm lý thoải mái, tâm lý chịu lỗ cũng sẽ vững vàng hơn.
#2. Phương pháp cắt lỗ dựa trên các chỉ báo kỹ thuật
Nếu như ở phần trên, phương pháp phần trăm tưởng chừng như có nhiều yếu tố cảm tính thì ở phần này sẽ khác. Chúng ta sẽ đưa ra quyết định dựa trên các chỉ báo đã xảy ra trong quá khứ của đồng coin đó. Hãy thử xem chúng khác nhau gì nhé.
Phương pháp cắt lỗ dựa trên đường trung bình động
Khái niệm
Phương pháp đường trung bình động là một phương pháp tính toán giá trung bình trong một khoảng thời gian nhất định. Nó là một đường trung bình cộng về giá của một cặp đồng coin nhất định. Đường trung bình động là một công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến để đo lường sức mạnh của một xu hướng trong các khoảng thời gian khác nhau.
Bạn có thể áp dụng các chu kỳ thời gian ở mức 20/50/100/200 kỳ,… Điều đó có nghĩa là nếu bạn đang đi theo một xu hướng ngắn hạn, bạn có thể lựa chọn các chu kỳ ngắn hơn. Chúng ta sẽ cùng làm rõ vấn đề này trong ví dụ dưới đây nhé.
Giả sử, chúng ta lựa chọn cặp BTC/USDT làm ví dụ. Ở đây mình đang sử dụng đường trung bình động (MA) 20 với khoảng thời gian ngắn hạn. Nếu đường giá cắt lên trên biểu thị xu hướng tăng của thị trường và ngược lại. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn đi theo xu hướng ngắn hạn, bạn có thể theo dõi mức cắt lỗ của mình bằng Đường trung bình động 20 kỳ (MA). Bạn có thể đặt lệnh dừng lỗ và thoát khỏi giao dịch đó nếu giá đóng cửa vượt quá nó.
Tuỳ vào chiến lược mà chúng ta có thể sử dụng các khoảng thời gian khác nhau MA 50 hay MA 100 thường áp dụng cho các chiến lược giá trung hạn. MA 200 thì lại dành cho các chiến lược dài hạn.
Ưu nhược điểm
Đường trung bình động là một dạng chỉ báo có độ trễ nhất định. Giả sử, bạn tiến hành theo dõi biến động giá với cột thời gian 1 ngày. Như vậy, đến khi giá đóng cửa bạn mới xác định được mức để tính toán đường trung bình động. Nhưng cũng chính độ trễ đó, trong một số trường hợp sẽ giúp bạn hạn chế các tín hiệu sai cũng như những biến động bất thường từ ngài thị trường.
Tuy nhiên, trái ngược lại, độ trễ đó cũng khiến bạn có thể mất đi cơ hội giao dịch trong suốt những khoảng thời gian đó. Thị trường biến đổi không ngừng, đôi khi nó lại không tuân theo những quy luật mà chúng ta vẫn tính toán.
Phù hợp với loại hình đầu tư nào?
Tuỳ vào khoảng thời gian lựa chọn để tính toán cho đường trung bình động sẽ phù hợp với các hình thức đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, đối với những thời lượng ngắn hơn 20 kỳ thường sẽ phù hợp với những NĐT theo hình thức Intraday.
Đơn giản vì trong các khung thời gian này những thay đổi về giá sẽ được chú trọng hơn. Từ đó chỉ ra một sự thay đổi trong xu hướng sắp tới cũng sẽ nhanh hơn. Nên xét về mặt ngắn hạn, nó sẽ tốt hơn cho việc hiển thị xu hướng sắp tới.
Phương pháp cắt lỗ dựa trên vùng hỗ trợ (support)
Khái niệm
Về cơ bản vùng hỗ trợ luôn ở dưới mức giá hiện tại. Bất kỳ mức dao động thấp nào trên biểu đồ đều có thể được coi là hỗ trợ. Mức rung lắc, biến động của thị trường càng rõ nét thì mức hỗ trợ được coi là mạnh hơn.
Với đường hỗ trợ, sẽ có hai khả năng như sau:
- Tại đường hỗ trợ, giá có tín hiệu đảo chiều. Đây có thể là một tín hiệu cho thấy thị trường đang đi lên.
- Tại đường hỗ trợ, giá có xu hướng “đâm thủng” và tiếp tục lao dốc xuống dưới. Đây có thể là một dấu hiệu của thị trường downtrend đang dần xuất hiện. Có thể là một biến động nào đó của thị trường khiến lượng bán ra lớn, giá trượt dài ra khỏi vùng an toàn.
Lúc này, điểm cắt lỗ sẽ là phù hợp khi nó nằm ngay bên dưới của đường hỗ trợ. Giá vượt qua đường hỗ trợ sẽ chạm ngay đến lệnh cắt lỗ bạn đã đặt trước đó. Như vậy, bạn sẽ tiến hành bán ra để bảo toàn tài sản của mình. Khi giá đã vượt qua một mức hỗ trợ trước đó, một vùng hỗ trợ mới sẽ được mở ra để tiếp tục dự đoán biến động tiếp theo của giá đồng coin.
Ưu nhược điểm
Phương pháp sử dụng đường hỗ trợ có vẻ gì đó là khá dễ dàng để áp dụng. Tuy nhiên, đôi khi việc sử dụng đường hỗ trợ này vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi cảm tính. Bởi lẽ, các NĐT đôi khi lại bị ảnh hưởng bởi tâm lý “tiếc nuối”. Tâm lý này cũng khá phổ biến với nhiều NĐT hiện nay.
Phù hợp với loại hình đầu tư nào?
Phương pháp sử dụng đường hỗ trợ này tương đối phổ biến và dễ dàng áp dụng. Tuy nhiên nó sẽ phù hợp hơn với những NĐT theo trường phái Swing trading. Việc quan sát biến động giá có thể giúp NĐT phát hiện ra một xu hướng sắp tới có thể xảy đến với giá đồng coin này.
Phương pháp cắt lỗ dựa trên đánh giá mức cao/thấp của giá trong nhiều ngày
Khái niệm
Phương pháp này cũng tương đối đơn giản. Việc của bạn ở đây là quan sát biến động về giá trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Sau đó, dựa vào một mức giá thấp nhất ở một ngày nhất định để làm căn cứ đặt giới hạn cắt lỗ.
Giả sử bạn quan sát giá của đồng ETH trong một khung thời gian bất kỳ nào đó. Quan sát và xác định các mức giá khác nhau trong những ngày đó. Chọn ra một thời điểm có mức giá ở vị trí thấp nhất để chọn làm vị trí đặt stop-loss.
Ưu nhược điểm
Đặt stop-loss theo phương pháp này về cơ bản chúng ta vẫn sẽ dựa trên các biến động trong quá khứ của đồng coin. Có một nhược điểm đối với phương pháp này đó là phụ thuộc vào biến động của thị trường.
Giả sử, khi đồng coin đang ở trong giai đoạn sideway (giá đi ngang, không có nhiều biến động lớn) thì giới hạn stop-loss sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, khi có một đợt dump xuất hiện, giá tụt xuống tận đáy khiến cho giới hạn cắt lỗ theo hình thức này sẽ mở rộng ra. Việc giới hạn cắt lỗ ở mức lớn trong những trường hợp như vậy đôi khi sẽ khiến nhiều NĐT trở nên lo sợ dẫn đến việc cắt lỗ trước khi đến giới hạn đã đặt ra.
Phù hợp với loại hình đầu tư nào?
Phương pháp này sẽ phù hợp hơn với hình thức đầu tư dạng Intraday. Bởi lẽ, NĐT có thể căn cứ vào các chỉ số giá của những thời điểm liền kề đề đưa ra mức giới hạn cắt lỗ cho ngày tiếp theo.
Kết luận
Nếu như cắt lỗ theo phương pháp phần trăm có yếu tố cảm tính nhiều hơn thì với ba phương pháp này dựa trên các chỉ báo kỹ thuật. Nó là những hành vi giá đã xảy ra trong quá khứ. Chúng ta dựa vào dữ liệu quá khứ để dự đoán cho tương lai.
Điều đó đồng nghĩa với việc những đự đoán đó có thể sai vì không phải lúc nào giá đồng coin cũng tuân theo một quy luật bất định. Có thể, chỉ với một tin đồn thất thiệt, các NĐT bất ngờ bán tháo, giá đồng coin đó sẽ “tụt dốc không phanh”.
Do vậy, chỉ báo chỉ là một phần thông tin để tham khảo. Các NĐT hãy kết hợp với các nguồn thông tin bên ngoài cùng những kinh nghiệm của cá nhân về thị trường để đưa ra một vị trí đăt stop-loss phù hợp nhất.
Câu hỏi thường gặp về lệnh Stop Loss
Khi nào thì nên đặt Stop Loss?
Một vấn đề có lẽ ai cũng biết là thị trường Crypto rất biến động, đôi lúc chỉ lơ là vài phút đã có thể mất 10 – 15% tổng tài khoản. Đó cũng chính là lý do nhiều lúc bạn nên dùng lệnh stop – limit để kiếm lợi nhuận một cách an toàn hơn cũng như để bảo toàn vốn của mình.
Phân tích dưới đây sẽ giúp bạn hiểu nên đặt Stop Loss khi nào:
- Bạn mua với giá 0.04 (màu cam).
- Ví dụ Target của bạn là trên 0.05.
- Nếu như giá coin hạ xuống 0.01 (màu đỏ) thì chắc chắn sắp tới là phiên giảm mạnh. Bạn nên đặt giá stop loss là 0.01.
- Tiếp đến, nếu giá đến 0.01 bạn sẽ đặt lệnh bán tại 0.02 (màu xanh) để cắt lỗ.
- Khi giá đạt 0.01 lệnh của bạn được thực hiện. Bạn đã hạn chế lỗ.
Khi nào thì nên đặt Stop Loss
Tại sao phải cắt lỗ?
Chắc bạn cũng đang tự hỏi tại sao phải cắt lỗ? Tâm lý của nhiều người là đang lỗ mà bán làm gì? Bởi cũng chính vì suy nghĩ này mà có rất nhiều người khi thực hiện giao dịch họ không coi trọng việc cắt lỗ vì họ tin sự phán đoán của mình là chính xác. Do đó, có thể ban đầu họ chỉ lỗ vài % nhưng sau đó, con số này cứ lớn dần lên. Đến khi họ mất khoảng 50% tài sản thì họ phải kiếm lại 100% mới hoà được vốn. Nhưng họ lại không nghĩ đến việc cắt lỗ lúc 10% thì họ chỉ cần kiếm lại 11% là đã có thể hoà được vốn.
Chính vì thế, việc cắt lỗ phải được thực hiện một cách dứt khoát và có kỷ luật chứ không nên dựa vào cảm xúc mà “gồng lỗ”.
Kết luận chung
Tóm lại, stop-loss không phải là một yếu tố bắt buộc khi đầu tư tiền điện tử nói riêng. Tuy nhiên, tuỳ vào “khẩu vị” đầu tư của mỗi NĐT mà cân nhắc việc có nên sử dụng các lệnh cắt lỗ hay là không.
Các phương pháp đưa ra trong bài viết này chỉ là một gợi ý để các NĐT tham khảo. Sẽ không có một phương pháp cắt lỗ nào chính xác hoàn toàn. Mỗi một phương pháp sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Và nó chỉ phù hợp trong một ngữ cảnh cụ thể nào đó, trong khi thị trường luôn luôn biến động không ngừng.
Hi vọng rằng với những thông tin vừa rồi phần nào đã giúp các bạn có thêm một góc nhìn khác về vấn đề này. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu như bạn thấy nó hữu ích nhé. Hẹn gặp lại bạn ở các bài viết sau.